Tích lũy và trau dồi kinh nghiệm giúp nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, vững tin hơn trong công việc. Dưới đây là một số điều có thể làm nên tính chuyên nghiệp của nhân viên phục vụ.
Nhân viên phục vụ nhà hàng là người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nhiều nhất. Từ lúc thực khách bước chân vào nhà hàng cho đến khi kết thúc bữa tiệc, sẽ có rất nhiều tình huống xảy trong quá trình phục vụ. Một nhân viên non kinh nghiệm có thể làm phật lòng khách, làm khách không hài lòng.
Nhân viên phục vụ nhà hàng không chỉ là người tư vấn giúp khách hàng chọn món mà còn là người chuyển yêu cầu thực đơn xuống nhà bếp. Đồng thời, họ còn là người tạo cho khách hàng cảm giác thoải mái, dễ chịu trong suốt thời gian có mặt tại nhà hàng.
Khi khách hàng ấn tượng tốt với nhân viên phục vụ nhà hàng, đó sẽ là sợi dây níu chân khách hàng quay lại. Vì vậy, để trở thành một nhân viên phục vụ chuyên nghiệp không phải là điều dễ. Bạn không chỉ cần kỹ năng giao tiếp tốt, xử lý tình huống nhanh mà còn cần phải trang bị những kỹ năng cần khác.
Nhân viên phục vụ chuyên nghiệp?
1. Luôn mỉm cười với khách hàng
Nhân viên phục vụ nhà hàng là công việc mà bạn cần thể hiện sự niềm nở và tận tuỵ. Kể cả khi bạn cảm thấy mệt nhoài hay bận tối mắt tối mũi với rất nhiều khách hàng khác nhau thì bạn bắt buộc vẫn phải giữ nụ cười niềm nở trên môi. Bởi vì, khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, bạn chính là người tạo nên dấu ấn của nhà hàng trong mắt thực khách . Nụ cười của nhân viên phục vụ sẽ khiến khách hàng cảm thấy thiện cảm hơn rất nhiều.
2. Hiểu rõ thực đơn
Trí nhớ tốt chính là một trong những yếu tố để giúp bạn trở thành nhân viên phục vụ nhà hàng thành công. Bạn cần trí nhớ để ghi nhớ lại những thông tin của các món có trong thực đơn. Đồng thời tư vấn cho thực khách, hay ghi nhớ các món mà khách từng bàn đã gọi…
Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, nhiều nhà hàng đã sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng có tích hợp thực đơn điện tử công nghệ trên các thiết bị di động. Vì vậy nên công việc của nhân viên phục vụ nhà hàng có thể được giảm bớt gánh nặng trong hoạt động ghi nhớ, hoạt động order món.
3. Khả năng chịu đựng áp lực cao
Vì tính chất công việc của nhân viên phục vụ nhà hàng là dịch vụ, khách hàng cũng sẽ là nhiều đối tượng khác nhau nên không thể tránh được nhiều tình huống khách hàng hay phàn nàn, gắt gỏng khi thức ăn mang lên chậm, nhân viên đem nhầm món hoặc khẩu vị không phù hợp…
Trong những tính huống như vậy, những nhân viên phục vụ phải hết sức bình tĩnh, luôn vui vẻ để nhận được sự cảm thông của khách hàng. Đối với những khách hàng thể hiện hành động hay lời đề nghị khiếm nhã, bạn nhất định không được thể hiện thái độ phản ứng gay gắt ngay lập tức.
Là nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, bạn cần khéo léo nói chuyện với khách hàng và báo ngay lại cho quản lý nhà hàng để không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bạn.
4. Không đếm tiền típ trước mặt khách
Khi khách hàng cảm thấy hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên phục vụ nhà hàng, họ sẽ sẵn sàng boa cho bạn một số tiền nhỏ như lời động viên. Tuy nhiên, tốt nhất bạn không nên đếm tiền boa ngay trước mặt khách hàng. Bởi điều đó sẽ làm cho khách hàng có ấn tượng xấu, đồng thời thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của bạn.
Khách hàng có thể nghĩ rằng bạn là người tham tiền hoặc chất lượng phục vụ của nhân viên nhà hàng phụ thuộc vào tiền boa. Do vậy, bạn cần lưu ý điều này để không bị khách hàng đánh giá sai về mình.
5. Tuân thủ các quy định dành cho nhân viên phục vụ
- Đồng phục đúng tiêu chuẩn
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
- Không làm việc riêng trong ca làm việc
- Không ăn uống, nhai kẹo cao su hay cắn hạt dưa, hút thuốc trong thời gian phục vụ
- Không thực hiện hành vi bất lịch sự như khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, gãi đầu, ngoáy tai, ngoáy mũi, dựa tường, ngáp ngủ, …
- Không đi làm muộn mà không báo quản lý
- Không tự ý bỏ vị trí phân công khi chưa có sự cho phép của quản lý
- Không tự ý sử dụng điện thoại của nhà hàng vào việc riêng
- Không từ ngữ thiếu lịch sự trong giao tiếp với khách hàng, cấp trên và đồng nghiệp
- Không ngồi chung bàn với khách khi chưa được sự đồng ý của khách hoặc quản lý nhà hàng
- Không có thái độ chỉ trỏ, bàn tán, gây gổ, xúc phạm hoặc đánh nhau với khách
- Hạn chế tối đa sự va chạm hay đổ vỡ các đồ vật phục vụ như dao, muỗng, nĩa, ly, tách, chén, bát, đĩa
- Hạn chế tối đa tình trạng nhầm bàn, sai món ăn hay không đáp ứng những yêu cầu chế biến đặc biệt từ khách.
- Tôn trọng khách hàng, cấp trên; thân thiện với đồng nghiệp; sẵn sàng phối hợp với bộ phận khác trong phục vụ khách hàng theo sự chỉ đạo và phân công của quản lý.
Để trở thành nhân viên phục vụ nhà hàng chuyên nghiệp, hãy nắm vững các kỹ năng cơ bản và trau dồi thêm kinh nghiệm của những người đi trước hoặc từ chính bản thân bạn.