Viết CV xin việc Marketing như thế nào để có được một trong những công việc “HOT” nhất tại thị trường lao động Việt Nam, một công việc có rất nhiều yêu cầu đặc biệt. Nếu muốn ứng tuyển thành công vị trí Marketing, trước hết bạn cần phải có một bản CV xin việc vô cùng nổi bật. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn cách viết CV ấn tượng và độc đáo nhất.
Nhân viên Marketing là gì?
Marketing được hiểu là việc nghiên cứu và tiếp cận thị trường thị trường, phát hiện ra các cơ hội kinh doanh và khai thác chúng một cách có hiệu quả. Marketing tìm cách trả lời cho các câu hỏi: Khách hàng cần gì, khi nào, ở đâu, sẵn sàng chi trả bao nhiêu tiền cho nó?…
Nói chung, công việc chính của nhân viên Marketing là thu hút, giữ chân khách hàng, đánh bại đối thủ cạnh tranh thông qua những chiến lược cụ thể bao gồm nhiều hoạt động kế tiếp và có liên quan chặt chẽ với nhau.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn mang lối tư duy cũ. Họ cho rằng, nhân viên Marketing sẽ phải mang sản phẩm đi chào bán, tiếp thị, quảng cáo tại hội chợ, chương trình khuyến mãi…
Thực chất, đây chỉ là một biểu hiện rất nhỏ của Marketing mà thôi. Một cách ngắn gọn nhất, theo Giáo sư Philip Kotler (“Cha đẻ” của Marketing hiện đại) cho rằng: “Marketing là quá trình tạo dựng giá trị từ khách hàng và mối quan hệ thân thiết với họ nhằm mục đích thu về giá trị lợi ích cho doanh nghiệp cũng như tổ chức”)
Nhân viên Marketing cần quan tâm nội dung nào trong CV xin việc?
Cũng giống với các vị trí khác, CV xin việc của nhân viên Marketing cũng có đầy đủ các thông tin như: Thông tin cá nhân, Mục tiêu nghề nghiệp, Kinh nghiệm làm việc,… Tuy nhiên, với vị trí Marketing chúng ta cần phải đầu tư thật tốt cho nội dung của mọi phần trong CV xin việc, kể cả cách trình bày, chọn lựa màu sắc.
Bởi CV xin việc lúc này chính là chiếc cầu nối của ứng viên với nhà tuyển dụng. Nếu CV của bạn không thực sự hấp dẫn thì trong công việc, bạn cũng không đủ khả năng tạo niềm hứng thú của khách hàng đối với những sản phẩm của doanh nghiệp. Chính vì thế, bạn không nên chỉ chú trọng vào các thông tin lớn kể trên mà còn phải quan tâm đến những cái nhỏ nhất có trong CV.
Cách viết CV xin việc Marketing
Cách viết Thông tin cá nhân
Nội dung phần này bao gồm tên, số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà ở… Đây là những thông tin bắt buộc phải có trong mẫu CV xin việc Marketing. Có không ít người điền thiếu mục này vì nghĩ rằng không quan trọng. Tuy nhiên, phải nhớ rằng đây chính là những thông tin cơ bản nhất để nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn.
VD:
“Thông tin cá nhân:
Họ và tên: Nguyễn Văn Nam
Ngày sinh: 21/1/1995
Địa chỉ: Hoàng Mai, Hà Nội
Số điện thoại: 091 176 xxxx
Email: nguyenvannam@gmail.com”
Cách viết Mục tiêu nghề nghiệp
Mục tiêu nghề nghiệp được xem là mục có sức hút vô cùng lớn với nhà tuyển dụng. Để tạo điểm nhấn và dấu ấn cá nhân, hãy nói lên mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn để nhà tuyển dụng thấy rõ ý chí quyết tâm và chí tiến thủ của bạn. Chú ý, không được nhồi nhét quá nhiều thông tin, tránh lan man, dài dòng.
VD:
“Mục tiêu nghề nghiệp:
Tôi mong muốn trở thành một nhân viên Marketing chuyên nghiệp trong tương lai, làm việc trong môi trường năng động với nhiều thử thách, có cơ hội phát triển nghề nghiệp và khẳng định bản thân.”
Cách viết Kinh nghiệm làm việc
Đối với những nhà tuyển dụng đang cần tuyển người đã có kinh nghiệm vào làm việc thì có lẽ đây là mục mà họ quan tâm nhất. Bạn có thể liệt kê trong CV xin việc của mình những vị trí công việc gần đây nhất của bạn và tiếp tục theo thứ tự thời gian. Thông qua mục này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được vị trí mà bạn đang ứng tuyển có thực sự phù hợp với bạn hay không.
VD:
“Kinh nghiệm làm việc:
Tháng 5/2021 (Hiện tại): Trợ lý trưởng phòng Marketing – Công ty cổ phần AHB
- Thiết kế nhiều chương trình marketing nhằm giới thiệu sản phẩm mới trên thị trường
- Thực hiện các chương trình khuyến mãi nhằm gia tăng doanh số bán hàng
- Tuyển dụng nhân viên để thực hiện chương trình khuyến mãi
- Quản lý mối quan hệ với nhiều nhà phân phối khác nhau
- Tổng hợp doanh số của đội ngũ bán hàng ở từng khu vực
- Lập báo cáo doanh số hàng tuần, hàng tháng cho trưởng phòng Marketing
Tháng 7/2018: Nhân viên Marketing – Công ty KIP
- Tổ chức sự kiện cho công ty bao gồm: hội họp, hội thảo, đề xuất các chương trình hoạt động, vui chơi cho đội ngũ nhân viên…
- Hỗ trợ thực hiện các chương trình PR và Marketing cho công ty
- Thực hiện các công việc hành chính nhân sự”
Cách viết Trình độ học vấn
Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào mục này để đánh giá một phần năng lực chuyên môn của bạn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên điền những dấu mốc quan trọng, không liệt kê một cách quá chi tiết, các thông tin nên gắn gọn và phải thật xúc tích.
VD:
“Trình độ học vấn:
2013 – 2017: Cử nhân quản trị kinh doanh, trường đại học Thương Mại Hà Nội
Tháng 6/2016: Chứng chỉ C vi tính do trường đại học Bách Khoa Hà Nội cấp
Tháng 7/2017: Chứng chỉ lập kế hoạch làm việc, quản lý thời gian do công ty ABC cấp
Tháng 8/2018: Học viên Phiên – Biên dịch tại trường đại học Khoa Học Tự Nhiên Hà Nội”
Cách viết Kỹ năng làm việc
Ngày nay, các nhà tuyển dụng đều ưu tiên những ứng viên có kỹ năng mềm, trong ngành Marketing lại càng cần tuyển những người như vậy. Do đó, khi viết CV xin việc ngành Marketing, bạn cần liệt kê ra những kỹ năng như: Kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, năng động, sáng tạo…
VD:
“Kỹ năng làm việc:
- Kỹ năng giao tiếp tốt
- Kỹ năng thương lượng, thuyết trình tốt
- Có tinh thần, trách nhiệm với công việc
- Sẵn sàng làm các công việc ngoài giờ trong trường hợp khẩn cấp
- Nói, viết tiếng Anh lưu loát
- Có khả năng giao tiếp bằng tiếng Pháp
- Kỹ năng tin học: Sử dụng thành thạo Words, Excel, Power Point…”
Cách viết Sở thích cá nhân
Nhiều ứng viên cho rằng không nên cho mục sở thích cá nhân vào trong bản CV xin việc Marketing bởi nó chẳng có ý nghĩa gì. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Mặc dù, sở thích là một mục nhỏ nhưng lại có tác dụng nổi bật lên cá tính của bạn. Tuy nhiên, hãy khéo léo trong cách sắp xếp và trình bày sở thích của mình, đừng khiến nhà tuyển dụng khó chịu vì nói quá nhiều đến sở thích cá nhân.
VD:
“Sở thích cá nhân:
- Du lịch, Nấu ăn
- Giao tiếp
- Nghe nhạc, Đọc sách”
Có thể thấy rằng, CV xin việc là thứ mà nhà tuyển dụng tiếp xúc đầu tiên. Do vậy, hãy bớt chút thời gian để đầu tư cho mình một bản CV ưng ý nhất, đừng vì một vài lỗi nhỏ mà làm mất điểm trước mắt nhà tuyển dụng. Hãy thật tỉ mỉ, chỉnh chu, biết đâu chậm và chắc có thể tạo nên một kỳ tích.
Các lỗi thường gặp khi viết CV xin việc marketing
CV xin việc quá dài
Nhà tuyển dụng chỉ dành tối đa một phút để đọc CV. Vì vậy, bạn cần biết cách viết CV xin việc ngắn gọn súc tích dưới 2 trang A4. Sử dụng một vài từ khóa làm nổi trội điểm mạnh bản thân và sự phù hợp với vị trí ứng tuyển. CV dài thường do bạn trình bày phần kinh nghiệm giống bản mô tả công việc, hãy viết ngắn và tập trung vào những gì bạn học hỏi được từ công việc đó.
Ngoài phần trình độ học vấn, bạn nên đưa thêm các hoạt động ngoại khóa, hãy cho nhà tuyển dụng thấy sự nhanh nhạy, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, sức sáng tạo và tiềm năng lãnh đạo khi đối mặt với công việc thực tế.
Quá chú trọng đến vị trí công việc
Mục đích của nhà tuyển dụng là thuê bạn về làm việc, đem lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp chứ không phải thuê bạn ngồi vào vị trí đó rồi dạy bạn cách làm việc. Vì vậy, hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn có thể làm được những gì, đem lại giá trị gì.
Sử dụng hình ảnh không phù hợp
Sẽ thật khó coi với tấm ảnh selfie, trang phục lòe loẹt, khu mặt nhiều biểu cảm. Hãy sử dụng một bức ảnh chụp chân dung 4x6cm với nụ cười thân thiện, trang phục công sở, nền xanh hoặc trắng.
Sử dụng địa chỉ email thiếu trang trọng
Nhiều ứng viên dùng email mình đang có mà không để ý nó có phù hợp hay không. Lưu ý tên địa chỉ email phải nghiêm túc, tốt nhất là tên của mình. Ví dụ tranvana@gmail.com. Tránh dùng các địa chỉ mail dạng girl_xinh@gmail.com hay boycute@gmail.com.
Lỗi trong phần kinh nghiệm làm việc
Nhiều bạn không biết hoặc không để ý cứ liệt kê kinh nghiệm từ cũ đến mới, viết kinh nghiệm như bản mô tả công việc. Điều này làm nhà tuyển dụng cảm thấy khó chịu, họ không có nhiều thời gian đọc và tìm kiếm thông tin trên bản CV dài như tiểu thuyết.
Lỗi sử dụng một CV cho nhiều vị trí công việc
CV của bạn rất dễ bị loại vì lỗi này. Ví dụ bạn sử dụng CV nhân sự để ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh, rõ ràng nội dung hai công việc này là rất khác nhau. Nhà tuyển dụng không đủ kiên nhẫn để hiểu bạn.
Lỗi chính tả, ngữ pháp
Lỗi này nghe rất đơn giản nhưng nhiều nhà tuyển dụng “đánh chết” lỗi này, họ cảm thấy thật “ngớ ngẩn”, giống như mình không được tôn trọng. Vì vậy, hãy rà soát thật kỹ lỗi chính tả, câu cú, cách phân đoạn văn bản trước khi gửi.
Lỗi thiết kế và bố cục CV
Ai cũng yêu cái đẹp nên bạn cần thiết kế cho mình một CV bắt mắt, bố cục CV theo tiêu chuẩn, cái gì quan trọng xếp lên trên. Ví dụ: Mục tiêu nghề nghiệp, Kinh nghiệm, Trình độ học vấn, Kỹ năng …. cuối cùng là Người tham chiêu.
Lỗi đặt tiêu đề CV
Khi bạn gửi cv qua mail hoặc đăng CV trên các website việc làm, bạn cần ghi rõ tiêu đề là ” Ứng tuyển nhân viên kinh doanh”, “CV xin việc nhân viên kinh doanh” hoặc “Apply vị trí nhân viên kinh doanh”, tránh sử dụng tiêu đề một cách chung chung.
Cách gửi CV qua mail
Có nhiều phương thức để bạn chuyển CV xin việc cho nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, gửi CV qua mail là một phương thức phổ biến, nó vừa nhanh chóng, thuận tiện và chuyên nghiệp. Bạn tự hỏi, gửi mail thì có gì khó? Vâng, nó không khó nhưng cần tuân thủ một số nguyên tắc để CV không bị nhà tuyển dụng ngó lơ.
Nguyên tắc 1: Nên sử dụng địa chỉ email trong phần thông tin cá nhân để gửi CV cho nhà tuyển dụng.
Nguyên tắc 2: Mỗi lần gửi chỉ gửi duy nhất cho một nhà tuyển dụng, không CC hay BCC.
Nguyên tắc 3: Một là không sử dụng chữ ký mail, hai nếu sử dụng hãy sử dụng một cách chuyên nghiệp, nghĩa là chữ ký sẽ bao gồm thông tin: Họ tên, chức danh, công ty, điện thoại, email, website (nếu dùng ảnh, cần sử dụng ảnh đẹp và trang trọng).
Nguyên tắc 4: Tiêu đề mail tuân theo công thức: Họ tên + Ứng tuyển vị trí …. + Công ty ABC. Ví dụ: Trần Văn A – Ứng tuyển vị trí Nhân viên kinh doanh – Công ty Du lịch Sky
Nguyên tắc 5: Đặt tên tệp đính kèm theo công thức: Tên tài liệu + Loại tài liệu + Tên ứng viên. Ví dụ: NhanVienLeTan-CV-TranVanA, NhanVienLeTan-SYLL-TranVanA (Tại sao đặt tên vậy? Vì nhà tuyển dụng thường tuyển rất nhiều vị trí công việc, họ tải về hàng đống CV, khi cần tìm kiếm họ sẽ tìm theo vị trí => đọc => sàng lọc).
Đối với tệp đính kèm bạn nên để dưới dạng PDF hoặc DOCX, không nên sử dụng các dạng file nén như ZIP, RAR tránh gây phiền toái, mất thời gian của NTD. Và nếu không có yêu cầu cụ thể, bạn chỉ cần gửi CV và Cover letter (Đơn/ Thư xin việc) cho nhà tuyển dụng thay vì gửi toàn bộ hồ sơ xin việc.
Được rồi, bây giờ đến phần nội dụng email. Xem mẫu dưới:
Mẫu email gửi CV xin việc
Kính gửi: Anh/chị (Tên người) – Phụ trách tuyển dụng công ty (Tên công ty),
Tôi là Lê Phú An, thông qua tin tuyển dụng đăng trên Tophotel.vn, tôi biết quý công ty đang có nhu cầu tuyển dụng Nhân viên kinh doanh. Tôi nhận thấy công việc này phù hợp với năng lực, trình độ và kinh nghiệm đã tích lũy.
Tôi tốt nghiệp Cử nhân ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi tốt nghiệp tôi làm việc ở vị trí Nhân viên bán hàng tại Công ty ABC. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngừng học hỏi, làm việc chăm chỉ tôi đã đạt thành tích Nhân viên bán hàng giỏi nhất năm.
Ngoài học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp tôi luôn trau dồi kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh bằng các khóa học online như: Quảng cáo Google, Facebook, tiếp thị qua email… Kỹ năng nổi trội của tôi là Nắm bắt tâm lý khách hàng, Quản lý và chăm sóc khách hàng.
Với kiến thức, kinh nghiệm và những kỹ năng nêu trên tôi tin mình có thể đáp ứng tốt yêu cầu của Quý công ty. Tôi mong muốn có một cuộc phỏng vấn trực tiếp để tôi có cơ hội trình bày rõ hơn về năng lực của mình.
Tôi gửi kèm email này Sơ yếu lý lịch, CV xin việc, đơn xin việc, bằng cấp chứng chỉ và các giấy tờ theo yêu cầu của Quý công ty. Rất mong Quý công ty dành thời gian xem xét.
Tôi xin chân thành cảm ơn và mong sớm nhận được hồi âm của Quý công ty.
Tải mẫu email gửi CV xin việc
Download “Mẫu Email gửi CV xin việc” mau-email-gui-cv-xin-viec.docx – Downloaded 17487 times – 13.85 KBHy vọng rằng bài viết trên đã mang đến cho bạn thêm nhiều kiến thức khi viết CV xin việc, đồng thời tự tin hơn đi xin việc ngành Marketing. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được biết thêm.