Nhân viên bếp (Kitchen Staff) là người chế biến món ăn theo yêu cầu của thực khách. Công việc cụ thể trong gian bếp là tiếp nhận hàng hóa, thực phẩm nhập vào bếp, sơ chế, mạ đồ, chế biến món ăn, sáng tạo món ăn, vệ sinh khu vực bếp, hướng dẫn phụ bếp,… Nhân viên bếp thuộc Bộ phận Bếp, chịu sự quản lý của Bếp trưởng.
Một ca làm việc mới của nhân viên bếp sẽ bắt đầu bằng việc kiểm tra hàng hóa, thực phẩm nhập vào bếp. Đồng thời kiểm tra thực phẩm còn tồn đọng từ đó đưa ra hướng xử lý phù hợp tránh vất bỏ, gây lãng phí cho nhà hàng khách sạn. Chuẩn bị nguyên vật liệu, sơ chế, mạ đồ chuẩn bị cho nấu nướng phục vụ thực khách. Ở một số cơ, đôi khi nhân viên bếp sẽ đảm nhận thêm công việc nấu cơm cho nhân viên.
Chế biến món ăn phục vụ thực khách được coi là công việc chính của nhân viên bếp. Ở các công đoạn này, nhân viên bếp sẽ tẩm ướp nguyên liệu phù hợp cho từng món ăn. Việc chế biến món ăn cần đảm bảo đúng quy trình, tiêu chuẩn của nhà hàng khách sạn, đảm bảo các quy đinh về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo thực hiện đúng nội quy an toàn lao động trong gian bếp.
Khi bếp trưởng và tổ trưởng đi vắng, nhân viên bếp sẽ thay mặt họ xử lý tất cả các vấn đề trong gian bếp, sau đó báo lại cho bếp trưởng. Nhân viên bếp cần phối hợp với bộ phận kỹ thuật, bảo trì thực hiện bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị trong nhà bếp theo định kỳ. Giữ gìn, bảo quản thiết bị đồ dùng nhà bếp và kịp thời thông báo khi có hư hỏng là trách nhiệm của nhân viên bếp. Ngoài ra, nhân viên bếp còn phải giám sát công việc của phụ bếp, đào tạo nhân viên bếp mới.
Trước khi kết thúc ca làm việc nhân viên bếp cần vệ sinh toàn bộ khu vực chế biến, dụng cụ chế biến món ăn, sắp xếp gia vị đúng nơi quy định. Kết hợp với các nhân viên khác tổng vệ sinh toàn bộ nhà bếp. Kiểm tra hệ thống ga, đèn, quạt, đảm bảo an toàn cháy nổ, điểu chính tủ lạnh, tủ mát về đúng nhiệt độ tiêu chuẩn. Sau đó bàn giao công việc đã làm và những công việc còn tồn đọng cho ca sau.
Hàng ngày, nhân viên bếp cần báo cáo công việc đã làm hoặc những việc đột xuất cho bếp trưởng. Ngoài ra, nhân viên bếp có thể phải làm một số công việc khác khi bếp trưởng yêu cầu.
Bản mô tả công việc nhân viên bếp chính
Thực hiện các công việc đầu ca
- Phối hợp với bếp trưởng hoặc bếp phó kiểm tra hàng hóa, thực phẩm nhập vào bao gồm cả số lượng và chất lượng
- Kiểm tra nguyên liệu, thực phẩm tồn từ ca làm việc trước để có hướng xử lý phù hợp, hạn chế tối đa tình trạng lãng phí nguyên liệu; đồng thời lên kế hoạch order hàng hóa
- Chuẩn bị các nguyên liệu, vật dụng, thiết bị chế biến món ăn
- Cập nhật và thông báo các món ăn tạm ngừng phục vụ hoặc các món ăn đặc biệt trong ngày cho nhân viên bếp và các bộ phận có liên quan biết
Trực tiếp chế biến món ăn
- Tiếp nhận order của khách hàng, thực hiện phân công các công việc cho nhân viên bếp
- Thực hiện tẩm ướp nguyên liệu phù hợp cho từng món ăn theo chuẩn nhà hàng
- Trực tiếp chế biến món ăn theo đúng quy trình, tiêu chuẩn của nhà hàng; đảm bảo tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nội quy an toàn lao động trong bếp
- Thực hiện công đoạn trang trí món ăn sau chế biến theo chuẩn nhà hàng
Quản lý khu vực bếp được phân công
- Khi bếp trưởng, bếp phó, tổ trưởng bếp vắng mặt, bếp chính sẽ thay mặt xử lý tất cả các công việc trong bếp bao gồm phân chia công việc và quản lý nhân viên; báo cáo lại cho bếp trưởng vào cuối ca
- Có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản các thiết bị, đồ dùng trong bếp; thường xuyên kiểm tra tình trạng máy móc, thiết bị và báo cáo kịp thời nếu phát hiện hư hỏng
- Định kỳ phối hợp với các bộ phận liên quan bảo trì, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị trong nhà bếp theo quy định của nhà hàng
- Trực tiếp đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ bếp, hướng dẫn công việc cho nhân viên mới
- Kiểm tra, giám sát quá trình làm việc của phụ bếp và các bộ phận liên quan
- Trực tiếp giải quyết các thắc mắc của khách hàng, sai sót của nhân viên
Thực hiện các công việc đóng ca
- Thực hiện vệ sinh khu vực chế biến, vệ sinh các dụng cụ dùng để chế biến món ăn theo quy định
- Sắp xếp các dụng cụ chế biến, máy móc, thiết bị, các loại gia vị, nguyên liệu nấu ăn ngăn nắp, đúng nơi quy định
- Chịu trách nhiệm bảo quản các nguyên vật liệu tồn vào cuối ca
- Cùng các nhân viên khác thực hiện tổng kết vệ sinh bếp trước khi kết thúc ca làm việc
- Kiểm tra các hệ thống ga, đèn, quạt đã được tắt; tủ mát, tủ lạnh vẫn hoạt động đúng nhiệt độ tiêu chuẩn quy định trước khi kết thúc ca làm việc
- Tổng hợp các order trong ngày vào báo cáo và chuyển cho thu ngân
- Bàn giao công việc cho ca làm việc sau, đóng ca.
Các công việc khác
- Hàng ngày hoặc đột xuất báo cáo công việc trong bếp cho bếp trưởng khi được yêu cầu
- Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của cấp trên
Yêu cầu đối với nhân viên bếp
Theo bản mô tả công việc nhân viên bếp chính, để đảm nhiệm vị trí bếp chính bạn cần có bằng cấp, chứng chỉ nghề đầu bếp, có khả năng sáng tạo món ăn, khả năng cảm nhận mùi vị, kinh nghiệm nấu món.
- Sức khỏe tốt
- Siêng năng, nhiệt tình
- Năng động
- Tiếng Anh giao tiếp là một lợi thế.
Ở vị trí nhân viên bếp bạn thường phải làm việc theo ca ( Ca thẳng sáng, chiều, tối hoặc cả gãy).
Thu nhập của nhân viên bếp
Theo ghi nhận của Tophotel.vn vị trí nhân viên bếp thường có thu nhập từ 8 – 12 triệu đồng/ tháng hoặc cao hơn, tùy thuộc vào yêu cầu công việc và quy mô của nhà hàng khách sạn. Ngoài tiền lương cơ bản, nhân viên bếp còn có thêm tiền phí phục vụ, phụ cấp (nếu có).